Biểu quyết của Liên Hiệp Quốc, 2009 Hoa Kỳ cấm vận chống Cuba

Ngày 28 tháng 10 năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lại biểu quyết với hầu hết các nước thành viên thúc giục Hoa Kỳ hãy bãi bỏ việc phong tỏa kinh tế chống lại Cuba từ gần nửa thế kỷ nay. Cuộc biểu quyết của LHQ trở thành một nghi thức hàng năm giữa lúc có vài hòa dịu trong các quan hệ của Hoa Kỳ với hòn đảo do Đảng Cộng sản Cuba lãnh đạo.

Ðại Hội đồng thông qua một nghị quyết không có hiệu lực ràng buộc - với 187 phiếu thuận, ba phiếu chống và hai nước không bỏ phiếu - cho năm thứ 18 liên tiếp, phản ánh sự chống đối của thế giới về nỗ lực từ lâu nay của Washington nhằm cô lập La Habana. Israel và đảo quốc Palau nhỏ bé ở Thái Bình Dương biểu quyết cùng với Hoa Kỳ chống lại nghị quyết, trong khi quần đảo MarshallMicronesia không bỏ phiếu.

Lần lượt, các đại biểu trên thế giới lên tiếng chống đối vụ phong tỏa, gọi đó là một sai lầm tàn nhẫn đi ngược với luật quốc tế và chỉ thành công trong việc làm hại cho người dân thường Cuba, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Chính phủ của Tổng thống Barack Obama thực hiện vài biện pháp để giảm bớt sự thù nghịch với Cuba, mặc dù Washington vẫn không tiến tới việc bãi bỏ cấm vận mậu dịch. "Cuộc phong tỏa kinh tế đã không đáp ứng và sẽ không đáp ứng được mục tiêu của nó là khuất phục lòng yêu nước của người dân Cuba, nhưng nó gây ra những thiếu thốn, nó giới hạn tiềm năng phát triển của chúng tôi và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của chúng tôi," Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nói trước Ðại Hội đồng.

Obama nói rằng ông muốn thay đổi những quan hệ có tính cách thù nghịch ít lâu sau cuộc cách mạng của Fidel Castro vào năm 1959 đã lái Cuba về phía cộng sản. Fidel Castro rời khỏi chức vụ chủ tịch vào năm 2008 vì bệnh tật và được thay thế bởi người em của ông, Raul Castro. Nhưng Obama nói rằng cuộc phong tỏa từ 47 năm vẫn được duy trì cho tới khi Cuba cải thiện nhân quyền và phóng thích các tù nhân chính trị. Susan Rice, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói nghị quyết LHQ không phản ánh những "thực tế hiện nay" ở Cuba. "Ðã đến lúc tổ chức này công nhận tình hình hiện nay ở Cuba và khuyến khích sự tiến bộ hướng tới thay đổi thực sự," bà Rice nói trước Ðại Hội đồng.

Trong một dấu hiệu cho thấy các quan hệ đang cải thiện, ông Obama bãi bỏ các giới hạn việc người Mỹ gốc Cuba di chuyển và gởi tiền tới Cuba, và khởi xướng những cuộc nói chuyện với Cuba về di trú và dịch vụ thư từ - nhằm tái lập dịch vụ bưu chính trực tiếp giữa Cuba và Hoa Kỳ đã bị đình chỉ từ tháng 8, năm 1963. "Ðây là những bước quan trọng và chúng tôi hy vọng có thể là điểm khởi đầu cho việc thay đổi thêm," bà Rice nói.